Tin hot

Lão Tử giảng: ‘Càng làm vì người khác nhiều thì càng sở hữu nhiều’

Trong một thế giới đang vận động không ngừng, khi tri thức mới xuất hiện hàng ngày, hàng giờ, những bài học của cổ nhân có lúc rơi vào quên lãng. Nhưng nếu tình cờ đọc lại, suy ngẫm và áp dụng trong đời sống hàng ngày, bạn sẽ thấy chân lý sẽ không bao giờ thay đổi dù trải qua hàng nghìn năm.

Và bởi vì đã được kiểm nghiệm qua thời gian dài như vậy mà luôn đúng, nên đôi khi bạn chỉ cần làm theo. Kết quả hãy để thời gian trả lời, chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.

Một câu nói cổ xưa khơi gợi niềm cảm hứng

Lão Tử là một triết gia, tác gia Trung Hoa cổ đại. Ông được biết đến như là tác giả của Đạo Đức Kinh, được coi là ông tổ của triết học Đạo giáo, thậm chí có người còn coi ông như một vị Thần trong Đạo giáo và các tôn giáo Trung Hoa truyền thống. Lão Tử từng nói: “Những người kiên định có ý chí mạnh mẽ”.

Câu nói này đã trở thành động lực của tôi. Mỗi đêm, tôi buộc mình phải đọc 10 phút trước khi lên giường đi ngủ. Mỗi cuối tuần, tôi buộc mình phải đọc một tiếng đồng hồ. Mỗi dịp nghỉ đông và nghỉ hè, tôi buộc mình phải đọc sách trong vài ngày liền.

Trong suốt quá trình “buộc mình” như thế, tôi đã hiểu ra một câu nói khác của Lão Tử: “Thắng được người là có sức mạnh, thắng được mình là kiên cường”. Trong cuộc đời mình, tôi chỉ muốn chiến thắng chính mình, tiến bộ mỗi ngày, và không hề có ý định tranh đua với người khác. Bởi Lão Tử chẳng phải cũng giảng rằng: “Lo thắng người thì loạn, lo thắng mình thì bình” hay sao?

Lão Tử giảng : “Thắng được người là có sức mạnh, thắng được mình là kiên cường”. (Ảnh: astrology.vn)

Những trải nghiệm cuộc sống

Lão Tử nói: “Nếu biết vạn vật đều thay đổi, thì bản thân không nên cố nắm giữ điều chi”, đồng thời cũng nói: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự Nhiên”. Trên thế gian này, luật to lớn nhất chính là luật tự nhiên, luật của con người kỳ thực là rất nhỏ bé. Cho nên, “thuận theo tự nhiên” mới là đạo sinh tồn của nhân loại.

Tôi đã trải nghiệm những lời này của Lão Tử khi người bà của mình qua đời. Một phản ứng thường thấy của chúng ta khi người thân yêu của mình đột nhiên ra đi là phủ nhận hiện thực, thấy bất công và thậm chí còn quy kết cho ông Trời sao lại bắt người tốt phải rời đi sớm.

Nhưng mọi sự đau buồn, trách móc, từ chối chấp nhận sự thật của bạn cũng không thể thay đổi được quy luật của tự nhiên. Cuộc đời của ai đó sẽ không vì mục đích, mong muốn chủ quan của bạn mà thay đổi theo. Giống như hoa kia sẽ không bởi vì con người thích mà luôn nở, ánh trăng cũng không bởi vì con người bất mãn mà vắng bóng.

Lão Tử giảng: “Có ít là có nhiều, có nhiều là rối loạn”.

Nếu một người chỉ tập trung vào học tập một kĩ thuật nào đó, họ có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này. Nhưng nếu họ học tất cả các kĩ thuật cùng lúc, họ sẽ bị rối loạn và không thành thạo bất kì kĩ thuật nào cả. Tôi có khá nhiều tài lẻ như ca hát, khiêu vũ, làm thơ, nhiếp ảnh, chơi thể thao… và mỗi lúc lại muốn làm “chuyên gia” ở một lĩnh vực nào đó.

Tôi cũng đi học đàn, học võ, học chụp ảnh… nhưng chẳng cái nào chú tâm chuyên nhất vì tâm trí còn phải phân tán cho quá nhiều sở thích cùng một lúc. Kết quả là chẳng có thứ nào tôi làm được tốt và trở thành chuyên gia như mong muốn. Thế nên thay vì học đủ thứ, hãy chuyên tâm làm một thứ, tất sẽ có kết quả tốt.

Lão Tử giảng: “Càng làm vì người khác nhiều thì càng sở hữu nhiều”.

Dường như hiển nhiên là Lão Tử đang nói đến một điều gì khác hơn là vật chất và tiền bạc. Một ví dụ là khi tôi giúp đỡ những người khác, tôi đóng góp tiền bạc và công sức cho người khác, nhưng niềm vui đó nuôi dưỡng trái tim tôi. Tôi vừa nhận ra rằng điều Lão Tử nói đến là năng lượng của nội tâm và là một cảnh giới tinh thần.

Lão Tử giảng cũng giảng: “Càng làm vì người khác nhiều thì càng sở hữu nhiều”. (Ảnh: ngaynay.vn)

Sự vĩ đại của nhân loại

Lão Tử nói: “Đạo vô biên, nên tự nhiên vô biên, nên thế giới vô biên, và ta vô biên”.

Câu nói này, nói về giá trị sinh mệnh của nhân loại, truyền cảm hứng cho tôi nhiều hơn bất cứ câu nói nào khác. Thật dễ để hiểu rằng tự nhiên và thế giới là vô biên. Đạo là nguồn gốc của vạn vật, và vì thế nó bao la vĩ đại. Nhưng thân thể của chúng ta thậm chí còn nhỏ hơn cả của ngựa và gia súc, vậy vì sao Lão Tử có thể nói là chúng ta vô biên được?

Câu trả lời là khi bạn hỏi một chiếc cốc bao lớn, nó phụ thuộc vào khả năng chứa đựng. Văn hào Pháp Victor Hugo từng nói, chúng ta thấy mặt đất rộng lớn, nhưng đại dương còn rộng lớn hơn mặt đất. Bầu trời thì to lớn hơn đại dương, trong khi trái tim con người có thể vĩ đại hơn cả bầu trời.

Khi đối diện với nan đề này, Lão Tử nói rằng trái tim con người có thể đạt tới giác ngộ về Đạo, và vì vậy có thể bao la vĩ đại như Đạo. Bởi thế, nếu một người đạt tới giác ngộ, chẳng phải tất cả những niềm vui, nỗi hận, lợi ích, thiệt hại, thành công và thất bại nhỏ bé trong thế gian này đều có thể coi nhẹ hay sao?

Và khi bạn đạt tới giác ngộ và xuất ra được tâm thái từ bi, yêu thương con người và vạn vật như họ vốn có mà không kèm theo điều kiện nào, thì chẳng phải bạn có thể bao chứa được rất nhiều với tấm lòng rộng mở hay sao. Lâm Tắc Từ, một vị quan và vị tướng nhà Thanh từng nói: “Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại”, ý nói rằng biển vì có thể dung nạp trăm nghìn con sông mà trở nên rộng lớn. Con người chính vì từ bi với người khác mà trở nên vô biên.

Theo Vision Times

Thanh Ngọc biên dịch

Viết bình luận

Hãy chia sẻ ngay thông tin này với bạn bè
Bình luận